Dân chủ - Pháp luật > Một số điều cần biết khi hòa giải ở cơ sở

Một số điều cần biết khi hòa giải ở cơ sở

20/09/2012
      Hoà giải ở cơ sở có tác dụng tích cực, thiết thực giúp các bên tự nguyện giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn một cách hiệu quả, có lý, có tình vừa hạn chế, khắc phục được hậu quả đáng tiếc xảy ra, vừa giữ gìn được tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.
    1.Tầm quan trọng của công tác hoà giải ở cơ sở:
     + Hoà giải ở cơ sở có tác dụng tích cực, thiết thực giúp các bên tự nguyện giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn một cách hiệu quả, có lý, có tình vừa hạn chế, khắc phục được hậu quả đáng tiếc xảy ra, vừa giữ gìn được tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.
     + Hoà giải có tác dụng cơ bản là giải quyết kịp thời ngay từ đầu các tranh chấp, mâu thuẫn không để “việc đơn giản thành việc phức tạp”, ngăn ngừa những vi phạm pháp luật có thể nảy sinh từ các tranh chấp.
     + Hoà giải ở cơ sở được thực hiện tốt sẽ góp phần giảm bớt khiếu kiện, các vụ việc phải đưa ra chính quyền hoặc Toà án giải quyết, qua đó tiết kiệm thời gian, tiền của của nhân dân và tiền của của Nhà nước.
     + Giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm, truyền thống tốt đẹp của các gia đình và cộng đồng dân cư, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới.
     + Trong quá trình hoà giải kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
     2. Nguyên tắc của hoạt động hoà giải ở cơ sở:
Theo quy định tại điều 4 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thì việc hoà giải ở cơ sở được tiến hành theo các nguyên tắc sau:
     + Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân.
     + Tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải.
     + Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
     + Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải.
     3. Những căn cứ để Hội Nông dân cơ sở thực hiện hoạt động hòa giải:
     + Theo quy định tại Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết  một số điều của Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước hữu quan, động viên nhân dân trong việc xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở; tham gia hoà giải theo quy định của pháp luật.
     + Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 9/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân đã chỉ rõ vai trò của Hội Nông dân Việt Nam các cấp trong việc phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoà giải những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân, giải quyết ngay tại cơ sở, không để xảy ra các điểm nóng và khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
     + Công văn số 1502/TTg-V.II của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 10 năm 2007 về việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân yêu cầu “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cần chủ động và tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tiến hành các biện pháp hòa giải, giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp”.
     + Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam quy định:
Điều 15: “Chi Hội Nông dân thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, vận động hoà giải những tranh chấp trong nội bộ nông dân”.
     Điều 17: “Tổ Hội Nông dân vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, hoà giải những vụ tranh chấp của hội viên, nông dân
     4. Vai trò của Hội Nông dân cơ sở trong công tác hoà giải:
     + Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan, tổ chức hữu quan, động viên nhân dân trong việc xây dựng, củng cố Tổ hoà giải và các tổ chức hoà giải khác của nhân dân trong cộng đồng dân cư.
     + Giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở.
     + Tham gia hoà giải trong cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.
    4.1. Hội Nông Dân cơ sở trực tiếp hoà giải những trường hợp:
Đối tượng hoà giải là cán bộ Hội, hội viên nông dân có mâu thuẫn nhỏ, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ xóm giềng, có tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình...
    4.2. Hội Nông Dân cơ sở tham gia hoà giải những trường hợp:
Đối tượng không phải là cán bộ Hội, hội viên nông dân.
Những vụ việc mâu thuẫn phức tạp nảy sinh từ cơ sở.
     5. Những hình thức thực hiện công tác hoà giải của HND cơ sở:
Trong quá trình hoà giải, Hội Nông Dân cơ sở áp dụng những hình thức hoà giải linh hoạt như:
     + Thông qua đối thoại trực tiếp với nông dân, giải thích chủ trương, chính sách để đương sự giải hoà với nhau.
     + Thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội làm rõ các mâu thuẫn, vướng mắc của các bên, hướng dẫn nông dân thông cảm tự giải quyết với nhau.
     + Thông qua tuyên truyền, giáo dục pháp luật sát với nội dung vụ việc đang có mâu thuẫn, giải thích, hướng dẫn, tư vấn pháp lý để các bên tự hoà giải.
     + Thông qua những người có uy tín với các bên để vận động, thuyết phục.
     + Hội Nông dân phối hợp với chính quyền, mặt trận hoà giải khi phát sinh mâu thuẫn giữa nông dân với nông dân.
     6. Hoạt động hoà giải có thể tiến hành trước, trong và sau khiếu kiện:
     + Hoà giải trước khiếu kiện là việc vận động các bên hoà giải tự thoả thuận, không để xảy ra khiếu kiện hành chính.
     + Hoà giải trong khiếu kiện là việc vận động các bên bình tĩnh, giữ ổn định tình hình, không nôn nóng, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
     + Hoà giải sau khiếu kiện là việc vận động các bên thực hiện nghiêm túc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
     7. Các bước khi tiến hành hoà giải:
Khi tiến hành hoà giải 1 vụ việc gồm có 3 bước là:
     + Trước khi tổ chức hoà giải;
     + Trong khi hoà giải;
     + Kết thúc hoà giải;
* Trước khi tổ chức hoà giải, cán bộ hòa giải cần phải thực hiện những công việc sau:
     + Làm dịu tình hình căng thẳng giữa các bên: khi xảy ra vụ việc tranh chấp xích mích, cán bộ hoà giải cần có mặt kịp thời gặp gỡ các đối tượng để can ngăn, dàn xếp, thuyết phục, bình tĩnh, tránh để xảy ra cãi cọ, xô sát.
     + Tiến hành thu thập thông tin, xác minh nhanh nguyên nhân gây ra vụ việc.
     + Lựa chọn thời gian, địa điểm phù hợp để tiến hành hòa giải. 
     + Hội ý nhanh trong cán bộ chi, tổ Hội, tổ hoà giải, đối chiếu các tình tiết vụ việc với các quy định của pháp luật, làm rõ đúng sai, bàn biện pháp hoà giải, phân công các cán bộ Hội tiếp xúc đương sự để hoà giải. Nếu gặp vụ việc phức tạp thì báo cáo lên Ban Thường vụ Hội Nông Dân cơ sở biết để chỉ đạo giải quyết.
 
 
* Trong khi hoà giải, cán bộ hòa giải cần tiến hành các công việc sau:
    + Tiếp xúc, trao đổi với từng đối tượng, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm lý, tính cách của đối tượng và các nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn.
    + Gặp gỡ hai bên, phân tích đối chiếu các tình tiết của vụ việc với các quy định của pháp luật, dựa vào truyền thống đạo đức của dân tộc, phong tục, tập quán để phân tích cho các bên thấy rõ đúng, sai, hết sức tránh làm tổn thương đến danh dự, tự ái cá nhân của đối tượng.
    + Khi hoà giải tại gia đình, chủ yếu dùng lời nói để thuyết phục.
    + Cán bộ hoà giải chủ trì cuộc gặp gỡ (có thể mời thêm 1 số người đại diện cho các tổ chức đoàn thể khác, những người cao tuổi có uy tín trong thôn, làng, tổ dân phố, vai trò của già làng, trưởng bản đối với đồng bào dân tộc), tranh thủ những người có uy tín đối với cả hai bên để tác động, vận động cả 2 bên có mâu thuẫn hoà giải với nhau. Cán bộ hoà giải phải tạo tâm lý thân mật, cởi mở, trong đối thoại, tránh nôn nóng, không áp đặt ý chí của cán bộ hòa giải đối với các bên tranh chấp.
    + Khi vận dụng các phong tục, tập quán, cần chú ý đối chiếu phù hợp với các quy định của pháp luật..
    + Việc hòa giải không bắt buộc phải lập thành biên bản. Trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc được các bên đồng ý, cán bộ hòa giải lập biên bản hòa giải. Biên bản hòa giải chỉ là sự ghi lại sự thỏa thuận giữa các bên, mang ý nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên một sự ràng buộc về mặt đạo lý và tâm lý giữa các bên. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của cán bộ hòa giải và đại diện các bên tranh chấp.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực cụ thể pháp luật có quy định thì cần lập biên bản hòa giải để làm chứng cứ pháp lý nếu như vụ việc phải đưa ra Tòa án giải quyết.
* Kết thúc hoà giải:
   + Hoà giải thành: Việc hòa giải kết thúc và được coi là hòa giải thành khi các bên đã đạt được thoả thuận và tự nguyện thực hiện thoả thuận đó. Tổ hoà giải có thể đề nghị với chính quyền xã và đoàn thể ở thôn, làng, tổ dân phố tạo điều kiện để các bên thực hiện thoả thuận.
   + Hoà giải không thành: Việc hòa giải không thành khi các bên không thể đạt được thoả thuận và việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả. Trong trường hợp này, cán bộ hòa giải giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp xử sự phù hợp với pháp luật, đồng thời hướng dẫn cho các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Đối với tranh chấp phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, có thể gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương thì cán bộ hòa giải kịp thời báo cáo Tổ trưởng Tổ hòa giải để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giải quyết./.
                                                                                                               BAN DÂN CHỦ - PHÁP LUẬT
CÁC TIN KHÁC
Đak Đoa hoàn thành Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024 - 2029 (27/03/2024)
Mang Yang: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Đak Jơ Ta lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 (27/03/2024)
Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và người lao động năm 2024 (25/03/2024)
Tổ chức Hội nghị xây dựng mô hình điểm về nông thôn mới năm 2024 (25/03/2024)
Đức Cơ: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật (19/03/2024)
Đak Đoa: Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm... (19/03/2024)
Đak Đoa: Bàn giao nhà Đại đoàn kết tại xã Hà Bầu (11/03/2024)
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ GẶP MẶT ĐẠI DIỆN CÁC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỨC CƠ NHÂN DỊP ĐẦU XUÂN GIÁP THÌN NĂM 2024 VÀ KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG & ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2024-2026 (11/03/2024)
Ông Trần Minh Sơn giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai (04/03/2024)
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (04/03/2024)
Chư Sê: Đại hội điểm MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024 – 2029 tại xã Bờ Ngoong (04/03/2024)
Đak Pơ tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc, các tôn giáo nhân dịp xuân Giáp Thìn năm 2024 (01/03/2024)
Gia Lai: Gặp mặt các chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn (29/02/2024)
Gia Lai: 19 xã, phường hoàn thành Đại hội Mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ 2024-2029 (26/02/2024)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nam Yang thành công tốt đẹp (26/02/2024)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >| 
Logo-MTTQ.png
Bản quyền thuộc về Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT, ngày 12/9/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
Chịu trách nhiệm: Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Gia Lai.
Địa chỉ: 26 Trần Hưng Đạo, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai
Email: ubmttq@gialai.gov.vn. Điện thoại: 0269.3874746, Fax: 0269.3824290


 Chung nhan Tin Nhiem Mang