Phong trào > Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai với Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với cuộc vận động“Làm th

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai với Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Gia Lai

11/11/2014
           Gia Lai là một tỉnh nghèo thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, với địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, kinh tế phát triển chậm, đời sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số có 595.445 người chiếm 44,27% chủ yếu là đồng bào Jrai và Bahnar. Số hộ nghèo là 53.389 hộ chiếm 17,23%; trong đó hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số 44.269 hộ, chiếm tỷ lệ  82,92%  tổng số hộ nghèo và chiếm 35,67% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống cách mạng đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tinh thần cần cù chịu khó trong lao động sản xuất. Trong đồng bào (DTTS) đã xuất hiện nhiều gương gia đình sản xuất giỏi có thu nhập cao không chỉ nâng cao mức sống cho gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội, giúp đỡ cộng đồng cùng thoát nghèo.

        Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết 10/NQ – BCT của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên; Chương trình 135, 168, 132,134, 167 của Chính phủ về đầu tư trọng điểm phát triển kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho bà con dân tộc thiểu số,… Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, công tác “Từ thiện nhân đạo”, cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra… góp phần quan trọng vào việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
        Tuy nhiên, do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, còn chịu sự ảnh hưởng nặng nề của một số phong tục tập quán lạc hậu; ý thức tự lực vươn lên của một bộ phận hộ nghèo trong đồng bào chưa cao, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, do hậu quả chiến tranh để lại; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Vì vậy đời sống của hộ nghèo nói chung và hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
      Các chương trình xóa đói giảm nghèo hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, thuốc chữa bệnh, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, phân bón, hỗ trợ tiền mặt để người nghèo đầu tư sản xuất,... chưa thực sự linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng và từng vùng khác nhau; chưa nắm vững nhu cầu của người dân để có những giải pháp cụ thể tác động trực tiếp đến ý thức, nhận thức của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động về mục đích và ý nghĩa của công tác xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của hộ nghèo để tự giác vươn lên thoát nghèo chưa được quan tâm đúng mức. Chưa đầu tư thỏa đáng việc tư vấn, hướng dẫn hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số về kiến thức tổ chức sản xuất, sử dụng nguồn hỗ trợ đầu tư của nhà nước, vốn tự có của gia đình đúng mục đích góp phần giúp đỡ người nghèo phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua đạt hiệu quả chưa cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, đồng thời để công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những kết quả thiết thực góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, ngày 23 tháng 7 năm 2011, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch số 449/KH-MTTQ về phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
      Xác định đây là cuộc vận động có ý nghĩa chính trị, xã hội  rộng lớn, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác truyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số để giúp họ có sự nhận thức mới trong cuộc sống và sinh hoạt nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn cho Mặt trận các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số bỏ dần những phong tục tập quán lạc hậu, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước, bản thân biết tự lực vươn lên trong cách thức làm ăn, biết quản lý việc thu, chi tiêu kinh tế gia đình, biết tích luỹ để đầu tư mua sắm cơ sở vật chất phục vụ đời sống, lao động và sản xuất. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tư vấn cho các hộ gia đình nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật và phương pháp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, học hỏi tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, phát triển mô hình liên kết hộ gia đình giưa hộ khá với hộ nghèo, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chú trọng những cây có giá trị kinh tế cao để  tăng thu nhập, nâng cao mức sống góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
          Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục “Đại đoàn kết” phát sóng trên Đài truyền hình Gia Lai. Qua chuyên mục đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua. Trong đó tập trung tuyên truyền Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” góp phần đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
          Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, cuộc vận động bước đầu triển khai đã mang lại những kết quả nhất định. Việc tuyên truyền rộng rãi mục đích, nội dung và ý nghĩa của của cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số..
      Các tổ chức thành viên đã lồng ghép việc tuyên truyền các nội dung của cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” vào các phong trào do tổ chức mình phát động, vận động, hướng dẫn các đoàn viên, hội viên của mình giúp đỡ các hội viên nghèo, nhất là các hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số về cách thức lao động sản xuất, cách chi tiêu hợp lý trong gia đình... Nhận thức của các hộ làm điểm bước đầu đã thay đổi, ngày càng được nâng lên, có nhiều chuyển biến tích cực như đã cải tạo lại giếng nước để có nước sinh hoạt,  rào vườn, cải tạo đất vườn, trồng các loại rau xanh để phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi: chọn giống mì cao sản, trồng cỏ dự án để chăn nuôi bò sinh sản, đưa phân bón vào chăm sóc cây mía, cây ớt, cây mì cao sản, cây cà phê…,
          Với những kết quả nêu trên cho thấy cuộc vận động “Làm thay đỏi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lê thoát nghèo bền vững” đã được triển khai một cách sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh và mạng lại những kết quả thiết thực góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
          Bên cạnh những mặt tích cực thì việc triển khai cuộc vận động cũng còn những hạn chế đó là: Cuộc vận động đã được triển khai xuống cơ sở nhưng một số nơi sự quyết tâm và chủ động chưa cao nên việc triển khai còn chậm và lúng túng trong việc cụ thể hóa kế hoạch cuộc vận động phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Một số nơi chưa có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các  ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ và đồng bộ. Nhiều nơi đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở còn yếu, chưa thật sự tâm huyết với cuộc vận động nên việc triển khai còn khó khăn chưa đi vào chiều sâu. Việc tranh thủ lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, các dự án đầu tư của nhà nước và sự hỗ trợ giúp đỡ của các doanh nghiệp để cùng chung tay đẩy mạnh cuộc vận động còn hạn chế.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động. Trong thời gian tới Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tập trung đẩy mạnh triển khai một số nội dung sau:
Một là: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, nội dung và ý nghĩa của cuộc vận động, vận động làm cho mỗi cấp, mỗi ngành và các tầng lớp nhân dân nhận thức và biến mục tiêu của cuộc vận động thành mục tiêu và quyết tâm chung của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động trên địa bàn toàn tỉnh.
Hai là: Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số về các nội dung của cuộc vận động gắn với 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các nội dung, tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ba là: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố đưa Kế hoạch triển khai cuộc vận động vào chương trình tuyên truyền, hướng dẫn tập huấn giúp Mặt trận cơ sở có phương pháp triển khai thực hiện có hiệu quả, sát với tình hình thực tế ở địa phương cơ sở. Với phương châm mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cán bộ gắn với mỗi hộ nghèo, giúp đỡ họ thoát nghèo bền vững.
Bốn là: Để thúc đẩy tiến độ triển khai cuộc vận động trên diện rộng và đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực trong năm 2014 và những năm tiếp theo: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác khảo sát thực tiễn, tiếp tục bổ sung hoàn thiện nội dung giải pháp hoàn chỉnh đề tài khoa học cấp tỉnh, hướng dẫn Mặt trận các cấp áp dụng tổ chức thực hiện.
                                                                                                                            Quốc Hùng
CÁC TIN KHÁC
Pleiku: bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác cho 141 cán bộ Mặt trận cơ sở (02/11/2023)
Tập huấn chuyên sâu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (02/11/2023)
Gia lai tổng kết triển khai mô hình điểm “Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông” (01/11/2023)
Krông Pa hơn 91 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” (17/10/2023)
Krông Pa trao tặng 2 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo (06/10/2023)
Trao 200 suất quà cho học sinh bán trú huyện Mang Yang (29/09/2023)
Gia Lai: 167 đại biểu tham dự Hội nghị tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (28/09/2023)
Bàn giao 5 căn “Nhà tình nghĩa” cho hộ nhèo tại huyện Mang Yang (28/09/2023)
Krông Pa tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với Đại biểu Quốc hội (28/09/2023)
Tặng quà cho học sinh nghèo người Việt tại tỉnh Ratanakiri (27/09/2023)
Xã Song An giành giải nhất Hội thao Đại đoàn kết thị xã An Khê (24/09/2023)
Krông Pa: Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật cho cán bộ cơ sở (14/09/2023)
Tuyên truyền triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Ia Grai (29/08/2023)
Ia Grai: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm (29/08/2023)
Ayun Pa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho 75 cán bộ Mặt trận cơ sở (17/08/2023)

 |<  <  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >| 
Logo-MTTQ.png
Bản quyền thuộc về Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT, ngày 12/9/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
Chịu trách nhiệm: Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Gia Lai.
Địa chỉ: 26 Trần Hưng Đạo, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai
Email: ubmttq@gialai.gov.vn. Điện thoại: 0269.3874746, Fax: 0269.3824290


 Chung nhan Tin Nhiem Mang