Gửi niềm tin vào hàng Việt

19/06/2012
TT - Chiều 12-6, tại Sở Công thương Đà Nẵng đã diễn ra chương trình “Tiếp sức hàng Việt - đồng hành cùng tiểu thương trong chợ truyền thống” với sự tham dự của gần 200 tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vinamilk cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức.
Hàng Việt được ưa chuộng
Dù 14g mới bắt đầu nhưng từ 13g đã có tiểu thương đến với chương trình bởi “chúng tôi nóng lòng được bày tỏ tâm tư, tình cảm với hàng Việt” - một tiểu thương chợ Đống Đa chia sẻ. Chị Trần Thị Kim Khánh (chợ Cồn), kinh doanh hàng giày dép gần chục năm nay, cho rằng: “Khoảng một năm trở lại đây hàng Việt đã khẳng định thương hiệu của mình”. Để dẫn chứng, chị Khánh nói tiệm Lợi Khánh của chị hiện đang kinh doanh 85% giày dép của doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM. Số ít còn lại là sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc.
Đa số tiểu thương của Đà Nẵng đều cho biết ưu tiên số 1 khi chọn hàng để bán là phải có nguồn gốc của Việt Nam. Chị Võ Thị Thiên Kim (chợ Đống Đa) cho biết chưa bao giờ hàng Việt bán “sướng” như hiện nay, người tiêu dùng rất ưa chuộng hàng trong nước sản xuất. “Khách đến tiệm của tôi câu đầu tiên hỏi là hàng Việt hay hàng Trung Quốc. Nếu hàng Việt thì mua ngay, còn không thì họ bỏ đi”. Chị Kim cho biết người dân yên tâm chất lượng của hàng Việt, tuy nhiên bao bì, màu sắc lại không hấp dẫn như hàng Trung Quốc. “Chúng tôi hi vọng doanh nghiệp Việt sẽ đầu tư hơn về mặt quảng bá để có sức hút hơn với người tiêu dùng” - chị Kim nói.
Trong khi đó, chị Trần Thị Diệu Hạnh (chợ Cồn) cho biết đã kinh doanh mặt hàng khô bò, khô mực và gắn bó với hàng Việt từ khi bắt đầu nghiệp bán buôn. Hiện tiệm của chị có 100% hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất. Tuy nhiên theo chị Hạnh, doanh nghiệp Việt Nam hiện ít quan tâm đến đánh bóng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của mình đến người dân. “Chúng ta quan tâm đến chất lượng và chất lượng đã tốt. Vậy nhưng chúng ta lại quên đi bao bì, nhãn mác để thu hút người tiêu dùng” - chị Hạnh góp ý. Ông Phan Quang Cả - ban quản lý chợ Đống Đa - cho biết hiện có 350 hộ kinh doanh cố định tại chợ, đến 60-70% sản phẩm bán tại chợ hiện nay đều là hàng Việt bởi hàng của chúng ta đang khẳng định thương hiệu không thua kém hàng ngoại.
Đặt hàng với doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Thu (ban quản lý chợ Cồn) đề nghị cần phối hợp nhà kinh doanh, sản xuất, tiểu thương và người tiêu dùng chứ lâu nay chỉ trên phương tiện truyền thông. Cần gắn kết trực tiếp nhà sản xuất với tiểu thương. Tổ chức mối quan hệ này thì sức tiêu thụ hàng Việt sẽ tốt hơn, mạnh mẽ hơn rất nhiều. “Đề nghị tổ chức chương trình Tiếp sức hàng Việt đến từng chợ để quảng bá đến từng tiểu thương” - ông Thu đặt hàng với ban tổ chức.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều tiểu thương Đà Nẵng đã đặt hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp trong nước. Bà Phan Thị Lợi (chợ Cồn) băn khoăn: “Chúng tôi nghe tiếng nước mắm Nam Ô rồi nhưng sao không thấy nhân viên nào đi chào hàng? Sau chương trình này, nước mắm Nam Ô sẽ có mặt ở chợ Cồn và trưng bày hằng tháng không?”.
Ông Phan Thành Đức - giám đốc Công ty CP thủy sản Nam Ô - cho biết khi đưa hàng tới có tiểu thương nói không gian hẹp quá, đủ hàng rồi nên thôi, vì vậy nước mắm cứ đến rồi lại đi. “Hi vọng qua lần này chúng tôi sẽ có thêm một kênh, một cơ hội cho nước mắm Nam Ô” - ông Đức nói.
Với sữa Vinamilk, tiểu thương cho rằng bao bì của sữa chua quá mỏng manh, về thời hạn sử dụng nên chăng in trên bề mặt thay vì ở dưới đáy hộp. Việc bảo quản sữa này hơi khó khăn. Tiểu thương còn cho rằng sữa cho trẻ sơ sinh chủ yếu nhập ngoại giá cao, trong khi sữa trong nước giá rẻ hơn mà ít người dùng. Đại diện Vinamilk chia sẻ tâm lý của bậc cha mẹ là muốn điều tốt nhất cho con cái, ở nông thôn có đến 40-60% thu nhập được dùng mua sữa cho con. Tuy nhiên, phải thấy thể trạng trẻ em Việt Nam và nước ngoài khác nhau nên việc sử dụng sữa cũng cần phải được tính toán. Chất lượng sữa của Việt Nam không thua kém gì nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh (chợ Hàn) đề nghị công ty sản xuất mũ bảo hiểm nên có nhiều mẫu mã cho phụ nữ, bởi hiện nay mũ chủ yếu dành cho đàn ông. Mặt khác mũ lại khá nặng nên rất bất tiện. Công ty TNHH SX-TM nhựa Chí Thành VN cho biết hiện có tới 36 mẫu mũ khác nhau đang được trưng bày ở quận Cẩm Lệ nên người dân yên tâm. Công ty này còn xin hẳn số điện thoại của tiểu thương để đưa mẫu đến cho xem.
Bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - nhìn nhận: “Cái dở của doanh nghiệp Việt Nam là lâu nay không “lăn” vô chợ. Doanh nghiệp Trung Quốc nhấc điện thoại 15 phút là có, còn chúng ta thì nửa ngày chưa thấy. Đừng nói tiểu thương không bán hàng Việt Nam mà do các doanh nghiệp không mang đến. Tôi hi vọng chương trình này sẽ thúc đẩy nhà sản xuất chủ động mang hàng đến với tiểu thương. Nhiều câu hỏi của tiểu thương chứng tỏ sự quan tâm của người dân với hàng Việt, đó là đòi hỏi nhức nhối đối với doanh nghiệp cần phải xem lại mình”.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các tiểu thương, ông Đặng Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng: “Tiếp sức hàng Việt góp phần giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn những ưu điểm, hạn chế của hàng Việt. Đặc biệt từ tháng 3-2012 với chủ đề Hàng Việt vào chợ truyền thống, ban tổ chức mong muốn được lắng nghe nhiều hơn nữa những ý kiến của bà con tiểu thương. Tại diễn đàn hôm nay, chúng tôi rất mong nhận được nhiều đóng góp hơn nữa bởi mỗi bà con là người hiểu rõ hơn hết những mặt hàng của doanh nghiệp trong nước. Từ đó giúp hàng Việt tốt hơn, cạnh tranh hơn nữa”.
ĐOÀN CƯỜNG
Logo-MTTQ.png
Bản quyền thuộc về Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT, ngày 12/9/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
Chịu trách nhiệm: Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Gia Lai.
Địa chỉ: 26 Trần Hưng Đạo, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai
Email: ubmttq@gialai.gov.vn. Điện thoại: 0269.3874746, Fax: 0269.3824290


 Chung nhan Tin Nhiem Mang