Tổ chức - Tuyên giáo > Vai trò của già làng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong 25 năm đổi mới

Vai trò của già làng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong 25 năm đổi mới

17/09/2013
         Gia Lai là một tỉnh miền núi khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh, có 90km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh khoảng 1.553,693 km2; dân số trên 1.3 triệu người, với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44,7%; chủ yếu là dân tộc Jrai và dân tộc Bahnar (dân tộc Jrai 398.841 người chiếm 30,35% dân số của tỉnh, dân tộc Bahnar 167.290 người chiếm 12,73% dân số của tỉnh, các dân tộc thiểu số khác 35.351 người, chiếm 2,7% dân số của tỉnh), dân số sống ở vùng nông thôn chiếm 72%, vùng thành thị 28%. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (14 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố); 222 xã, phường, thị trấn; 2.160 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 1.284 thôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số và 2.064 vị già làng, trưởng bản và người uy tín.
         Đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar tỉnh Gia Lai luôn tự hào với bản sắc văn hoá của mình, thể hiện qua các kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua các lễ hội truyền thống, nhạc cụ, y phục; đặc biệt có không gian văn hoá Cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
          Vai trò của già làng các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai trong xã hội truyền thống và thời kỳ Pháp, Mỹ:
         Từ thuở còn trong “xã hội nông dân” nguyên thuỷ cho đến đời sống công nghiệp hoá – hiện đại hoá hôm nay, ở Gia Lai các già làng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng. Họ đều là những người nổi bật lên giữa cộng đồng bởi các đức tính thông minh, quyết đoán, biết chăm lo đến sự sống còn của cộng đồng dân làng; có sự hiểu biết sâu rộng không chỉ phong tục tập quán của dân tộc mình, mà còn có mối quan hệ rộng rãi, có uy tín với nhiều bộ tộc khác quanh vùng. Các già làng – những người có vai trò trong xã hội cổ truyền có những trọng trách lớn lao.
         Các vị “đầu làng”, “gốc làng” này luôn luôn nhận được sự kính trọng, thậm chí là phục tùng tuyệt đối của mọi thành viên trong cộng đồng. Họ cũng là người  có uy tín cao đối với những bộ tộc lân cận, nếu bản thân là người khéo léo, biết chăm lo cho cộng đồng bình yên, đời sống no đủ… đó là cơ sở để xác định một vị già làng giỏi. Ngược lại nếu thiên tai nhiều khiến mùa màng liên tục thất bát, hoặc dịch bệnh hoành hành, dẫn đến những tổn thất lớn của cộng đồng, trước hết dân làng quy trách nhiệm cho già làng, vì đã điều hành không tốt khiến các “yang” nổi giận trừng phạt và không tiếp tục phù trợ dân làng nữa. Khi đó, ngoài việc dời làng, rất có thể dân làng sẽ bỏ đi theo một thủ lĩnh (già làng) khác.
         Trải qua bao sự đổi thay của thời gian, vai trò của các già làng thu hẹp lại, Hệ thống các thủ lãnh buôn, làng (Hội đồng già làng) dần không còn, xã hội đã hình thành giai cấp, có sự phân biệt giàu nghèo và một tầng lớp chức sắc tập quyền người bản địa đã xuất hiện. Đặc biệt với sự xâm nhập của các tôn giáo từ Âu, Mỹ con đường chuyển đổi tín ngưỡng từ đa thần sang độc thần đã hình thành một giai tầng thần quyền khác.
         Với tri thức luật tục, mặc cho mọi sự vật đổi thay, quyền lực của các già làng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Nhưng có một số trách nhiệm không còn thích hợp với hoàn cảnh mới, khi kinh tế tập thể, bầy đàn tan rã, kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển riêng rẽ, xuất hiện hình thái hưởng thụ theo lao động, thì vai trò quyết định và hướng dẫn sản xuất của già làng cũng mất dần hiệu lực. Mặc dù về hình thức các trọng trách còn tồn tại không thay đổi, nhưng về bản chất đã có sự chuyển đổi cơ bản.
         - Trách nhiệm thần quyền “giao tiếp với các đấng siêu nhiên” ở một số nơi không còn là hệ thống với các thần linh (yang) truyền thống, đã dần chuyển sang hình thái tín ngưỡng tôn giáo (như: Jêsu Crit và sau này là Đức Jehova).
         - Trách nhiệm tập quyền “thay mặt cộng đồng” cũng không còn bó hẹp trong những bộ lạc cùng một sắc tộc nữa, mà chuyển sang vai trò giao tiếp với chính quyền đương nhiệm.
         Chỉ có hai trọng trách còn được bảo lưu và vẫn được cộng đồng tự nguyện chấp nhận cho đến tận ngày nay, đó là:
         - Bảo tồn văn hoá truyền thống
         - Giải quyết những vụ việc xích mích xảy ra trong cộng đồng.
         Nếu trước đây các vị già làng phải gánh trọn trọng trách bảo vệ sự toàn vẹn đất sản xuất, đất ở và chăm lo đời sống bình yên của dân làng, thì trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi vai trò quản lý đất đai cá thể và cộng đồng đã mất đi, các già làng vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc tham gia chống giặc ngoại xâm và ủng hộ cách mạng Việt Nam. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở miền Nam thành công, có phần đóng góp không nhỏ của bản thân các già làng, ở Gia Lai các già làng đã vận động dòng họ và toàn thể cộng đồng tham gia ủng hộ cách mạng. Một lòng theo Đảng và Bác Hồ, không tiếc sức lực, không tiếc của cải, các già làng luôn luôn đi đầu trong phong trào chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Điển hình như: Anh Hùng Núp (già làng Núp), Anh Hùng Wừu, Anh Hùng KPă Klơng… cùng với các địa danh lịch sử lừng lẫy như PleiMe, Cheo Reo, Đức Cơ, An Khê, Đak Pơ…
 
         Vai trò của già làng các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai trong 25 năm đổi mới:
         Sau năm 1986, với sự quan tâm phát triển toàn diện, đời sống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là đối với việc phát huy văn hoá truyền thống, vai trò của các già làng ngày càng được đề cao. Thực tiễn hiện nay cho thấy, nếu có sự quan tâm cũng như tạo được mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền, mặt trận, các đoàn thể với các già làng, vai trò truyền thống của các già làng vẫn được phát huy trong đời sống cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, thì việc vận động quần chúng sẽ dễ dàng hơn. Ở những nơi đó:
         - Hàng ngày các già làng không chỉ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình cùng con cháu, mà còn tham gia vận động dân làng tiếp thu cái mới trong công tác khuyến nông, nâng cao năng xuất và sản lượng lương thực, thực phẩm.
- Các già làng cùng với đội ngũ cán bộ trong làng tham dự các lớp học tập chính trị, tập huấn công tác khuyến nông để nâng cao nhận thức, làm công tác vận động quần chúng.
Điển hình như, ở huyện Mang Yang có già làng Pơh, già làng Chứt, già làng Pah, già làng Her; ở huyện Phú thiện có già làng Ksor Thih, già làng Hà Jôn, già làng Nay Yak  già làng Rơ Lan Hào; ở huyện Chư Sê có già làng Siu No, già làng Siu Anhe, già làng Siu Chool, già làng Rơ Châm Sơng … là những gương tiêu biểu, điển hình trong việc vận động dân làng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 - Để giáo dục lớp trẻ giữ gìn và tôn tạo những nét đẹp của văn hoá truyền thống, các già làng đóng vai trò chủ yếu trong việc tổ chức các lễ hội dân gian, đồng thời cũng đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng và tập hợp khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trong vùng.
         Mối quan hệ giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở với già làng cũng đã trở thành quan hệ tương hỗ, gắn bó. Hệ thống cán bộ đều trẻ tuổi, một số có văn hoá, có kiến thức quản lý và chuyên môn, do đã qua những lớp bồi dưỡng, tập huấn. Tuy nhiên họ còn hạn chế về kinh nghiệm ứng xử và tri thức văn hoá truyền thống, nếu không dựa vào các già làng thì họ không có chỗ đứng trong lòng cộng đồng. Ở những cơ sở phát huy tốt vai trò già làng, đồng thời có mối quan hệ gắn bó, nhất là giữa già làng với trưởng thôn, thì nơi đó mọi chủ trương, chính sách đều dễ dàng đến với dân và được thực thi một cách nghiêm túc.
         Tuy nhiên ở một số nơi sự lựa chọn những người trẻ để bà con bầu làm “già làng” và cho rằng đó là sự “phát huy văn hoá ứng xử truyền thống”. Thiết nghĩ, đây là cách làm không phù hợp với truyền thống xưa và nay của đồng bào dân tộc thiểu số, có thể dẫn đến sự rạn vỡ mối quan hệ liên kết cổ truyền trong xã hội dân tộc, miền núi.
Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận, vai trò của các già làng hiện nay vẫn còn một số tồn tại như sau:
         - Tại một số xã vùng sâu, vùng xa do sự tách biệt về địa hình, đời sống tâm linh còn nặng nề theo một số hủ tục cũ. Nhiều hình thức cúng tế vẫn còn tồn tại. Bên cạnh vai trò tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội, thì chính một số già làng kiêm luôn vai trò thầy cúng, cũng giữ vị trí quan trọng trong việc duy trì những lễ nghi cúng bái tốn kém này.  
         - Xuất phát từ việc xử phạt theo luật tục, đôi khi vẫn còn có những trường hợp xử quá nặng, mức bồi thường quá cao, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người vi phạm (ví dụ như: phải mua trâu, bò, rượu để đền bồi, cúng tạ lỗi). Trường hợp này thường nghiêng về những già làng cao tuổi.
         - Một số già làng mới được bầu theo sự hướng dẫn của chính quyền sau này, còn ít tuổi, không am hiểu kỹ lưỡng về luật tục, phong tục truyền thống, nên việc vận dụng luật tục cổ truyền cũng giảm dần, hoặc khi thực hành các lễ nghi trong các lễ hội không đảm bảo tính chính xác, đã có sự pha tạp.
         - Sự phối hợp giữa các trưởng thôn được dân bầu theo cơ chế quản lý hành chính hiện hành và các già làng ở một số vùng chưa thật “ăn ý”. Vai trò của già làng chưa được cán bộ trẻ coi trọng, phát huy.
         Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do có sự chênh lệch giữa tri thức văn hoá truyền thống bản địa và tri thức mới xuất phát từ vấn đề tuổi tác và kinh nghiệm sống của các già làng hiện đang hoạt động. Qua khảo sát tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số (Jrai, Bahnar) trên địa bàn tỉnh, đa số các già làng đều ở độ tuổi từ 60 – 70. Các già làng thường xử theo luật tục cổ truyền nhưng nắm không chắc lượng kiến thức mới, đặc biệt là luật pháp và khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, một số già làng được dân bầu lên gần đây, mặc dù được tập huấn một số kiến thức mới, nhưng do tuổi còn trẻ, lại sống trong một bối cảnh văn hoá truyền thống (đặc biệt là luật tục cổ truyền) bị lãng quên, bị mai một (do những biến động của xã hội, sự thay đổi về phương thức sản xuất); văn hoá truyền thống không có điều kiện phát huy, nên không còn mấy người thuộc và nắm chắc luật tục truyền thống. Bên cạnh đó, việc phổ biến những luật tục phù hợp với xã hội ngày nay, chưa được thực hiện thường xuyên và sâu rộng trong các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng này sẽ dẫn đến kết cục: một lúc nào đó, luật tục truyền thống, tinh hoa văn hoá của các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai dần dần bị mờ nhạt.
 
 
                                    Ban Dân tộc – Tôn giáo
                    Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai
CÁC TIN KHÁC
Đak Đoa hoàn thành Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024 - 2029 (27/03/2024)
Mang Yang: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Đak Jơ Ta lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 (27/03/2024)
Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và người lao động năm 2024 (25/03/2024)
Tổ chức Hội nghị xây dựng mô hình điểm về nông thôn mới năm 2024 (25/03/2024)
Đức Cơ: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật (19/03/2024)
Đak Đoa: Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm... (19/03/2024)
Đak Đoa: Bàn giao nhà Đại đoàn kết tại xã Hà Bầu (11/03/2024)
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ GẶP MẶT ĐẠI DIỆN CÁC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỨC CƠ NHÂN DỊP ĐẦU XUÂN GIÁP THÌN NĂM 2024 VÀ KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG & ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2024-2026 (11/03/2024)
Ông Trần Minh Sơn giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai (04/03/2024)
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (04/03/2024)
Chư Sê: Đại hội điểm MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024 – 2029 tại xã Bờ Ngoong (04/03/2024)
Đak Pơ tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc, các tôn giáo nhân dịp xuân Giáp Thìn năm 2024 (01/03/2024)
Gia Lai: Gặp mặt các chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn (29/02/2024)
Gia Lai: 19 xã, phường hoàn thành Đại hội Mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ 2024-2029 (26/02/2024)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nam Yang thành công tốt đẹp (26/02/2024)

 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >| 
Logo-MTTQ.png
Bản quyền thuộc về Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Giấy phép số: 05/GP-TTĐT, ngày 12/9/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
Chịu trách nhiệm: Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Gia Lai.
Địa chỉ: 26 Trần Hưng Đạo, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai
Email: ubmttq@gialai.gov.vn. Điện thoại: 0269.3874746, Fax: 0269.3824290


 Chung nhan Tin Nhiem Mang